Giáo dục tại Nhật Bản
Tìm hiểu về nền giáo dục Nhật Bản
Thứ nhất, giáo dục bắt buộc nhằm phổ cập hóa hệ thống giáo dục tiểu học; Thứ hai, thành lập các trường dạy nghề cho thanh niên đồng thời tổ chức đào tạo các khoá chuyên tu (nông, công, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, dệt…) ở cấp trung học cơ sở. Hai ưu tiên này đã tạo ra những bước đi căn bản trong việc hình thành nguồn lực đảm bảo kế hoạch phát triển cho công cuộc “hiện đại hoá” nền kinh tế Nhật Bản.
Giáo dục ở Nhật có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt ở các kỳ thi tuyển sinh đại học, điển hình là các kỳ thi tuyển của hai trường đại học cao cấp Tokyo và Kyoto. Người Nhật Bản luôn coi trọng đến bằng cấp.
Chương trình đánh giá sinh viên của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD hiện xếp Nhật Bản ở vị trí thứ sáu thế giới về kĩ năng và kiến thức của học sinh mười sáu tuổi.
Tỷ lệ người mù chữ ở Nhật Bản bằng 0 và có 72,5% học sinh theo học lên bậc Trung cấp, Cao đẳng, Đại học. Theo thống kê năm 2001 thì tỷ lệ học sinh vào đại học ở Nhật Bản là 48,6%, cao thứ 2 thế giới. Tỷ lệ học cấp 3 là 96.9%, do vậy nhiều người có chủ trương đưa giáo dục cấp 3 thành giáo dục bắt buộc.
Nhật Bản với khoảng hơn 1.000 trường Đại học và Cao đẳng, chính phủ Nhật Bản còn chú trọng đầu tư vào hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp, trung học chuyên tu và các trường chuyên môn với mạng lưới dày đặc hơn 3.000 trường.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện nay được biết đến ở “Hệ thống 6 – 3 – 3 – 4″, nghĩa là 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm Đại học được xây dựng trên nền tảng Luật giáo dục cơ bản xây dựng từ năm 1947. Luật quy định giáo dục nghĩa vụ là 9 năm cho nên nhà nước miễn phí tiền học và mua sách giáo khoa và cấp phát miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, giáo dục từ cấp 3 trở lên là không bắt buộc. Còn bậc Đại học, quy định chung là 4 năm, nhưng với những ngành học như y khoa, thú y… thì hệ Đại học có thể kéo dài đến 6 năm, hệ Cao đẳng thì từ 2 đến 3 năm.
Chủ trương phát triển giáo dục cấp cao làm đầu tàu cũng được Chính phủ Nhật Bản quan tâm và hình thành rất sớm:
đó là hệ thống đại học và sau đại học với các “Trường chuyên môn” (không kểtrường Cao đẳng chuyên môn dành cho học sinh học hết cấp 2). Hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản được bắt đầu từ 6 trường đại học “hoàng gia” công lập, lần lượt được thành lập từ năm 1877. Sáu trường đại học đầu tiên của Nhật Bản là: Tokyo, Kyoto, Kyushu, Tohoku, Hokkaido và Osaka. Bước vào thế kỷ 20, Nhật Bản cho phép thành lập đại học tư thục (Waseda, Keio, Doshisha…) từ các “trường chuyên môn”.
Cùng với việc thành lập Bộ Giáo dục (1871), Nhật Bản đã sớm có chính sách phát triển hệ thống giáo dục tiểu học bắt buộc và bình đẳng đối với tất cả trẻ em bắt đầu từ 6 tuổi, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, thành phần xã hội...
Điểm nổi bật nhất là Nhật Bản không cải cách giáo dục theo kiểu chắp vá mà áp dụng mô hình Hà Lan cho tiểu học, mô hình Pháp cho trung học và mô hình Mỹ cho đại học – những nền giáo dục tốt nhất theo từng cấp học thời bấy giờ.
Sau khi hết trung học cơ sở, nếu không vào trường trung học phổ thông thì học sinh vẫn có thể chọn lựa trường trung học chuyên tu, chuyên nghiệp để sớm có được kỹ thuật chuyên môn, đây cũng là sự lựa chọn của không ít giới trẻ Nhật Bản.
Để đáp ứng nhu cầu học ở bậc Đại học ngày càng tăng nhanh, kể từ những năm 50 (thế kỷ XX), Ở Nhật Bản đã hình thành các trường Đại học Dân lập. Tuy nhiên từ những năm 1970 trở lại đây, Nhật Bản đã có những chính sách cụ thể để hạn chế sự cạnh tranh hỗn loạn của các loại hình dân lập này, bảo đảm chất lượng của sinh viên đại học khi ra trường.
Hiện nay Nhật Bản đang thực hiện các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập. Rất nhiều trường Dự bị được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho sinh viên nước ngoài như trường Kurume, Koiwa, Ngoại ngữ Osaka…Chính phủ Nhật còn hỗ trợ cho lưu học sinh thông qua các chương trình học bổng như Học bổng toàn phần, miễn học phí, hỗ trợ tiền thuê nhà, ăn ở… Ngoài ra, để hỗ trợ cho các chi phí như học phí, phụ phí và các khoản sinh hoạt phí, sinh viên được phép làm việc bán thời gian và vay từ Tổ chức học bổng của chính phủ, ngoài ra còn có nhiều tổ chức khác từ chính quyền địa phương, cơ quan phi lợi nhuận cũng góp phần không nhỏ về mặt tài chính hỗ trợ cho sinh viên.